


Chi tiết tin
Ngày 15/02/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá khả năng thích nghi của cây sầu riêng trong vùng Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang tại Hội trường UBND xã Hậu Thành, huyện Cái Bè. Hội thảo có sự tham gia thảo luận của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Nghiên cây ăn quả miền Nam, đại diện các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, UBND và phòng chuyên môn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành và thị xã Cai Lậy, cùng với các đại diện hộ nông dân.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh với quan điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác, tạo nhiều việc làm và tăng nhanh thu nhập cho người dân; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường; phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng vùng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tăng khả năng cạnh tranh nông, thủy sản hàng hóa. Trong năm 2022, đã thực hiện chuyển đổi đạt 19,1% kế hoạch năm, đạt 39,93% so với mục tiêu đến năm 2025, trong đó đã thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản, đất chăn nuôi tập trung.
Đối với việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây sầu riêng, chỉ tính riêng huyện Cái Bè đã chuyển đổi 930ha, nâng tổng diện tích cây sầu riêng của Huyện lên 7.000ha. Theo đánh giá của các chuyên gia, để có cơ sở chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cần phải nghiên cứu, đánh giá khả năng thích nghi của từng loại cây trồng, vật nuôi đối với từng loại đất, thời tiết,… đồng thời phải phù hợp với năng lực tài chính của hộ trồng vì cây sầu riêng được cho đòi hỏi vốn đầu tư cao và chậm cho trái (từ 4-5 năm). Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, diện tích sầu riêng của tỉnh năm 2022 tăng hơn 16% so với năm 2021, sản lượng thu hoạch năm 2022 tăng hơn 20% so với năm 2021, trong đó diện tích trồng mới năm 2022 đạt 3.100ha. Toàn tỉnh hiện có hơn 17.652ha sầu riêng, với diện tích cho sản phẩm hơn 10.539ha, sản lượng thu hoạch được là hơn 290.000 tấn.
Ông Lưu Văn Phi – Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Văn Phi – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở Công Thương đã và đang thực hiện các công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng, thị trường tiêu thụ chính của trái sầu riêng là thị trường xuất khẩu, bên cạnh đó là thị trường nội địa. Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay, thị trường Trung Quốc là chính yếu thông qua hình thức chính ngạch và tiểu ngạch. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được cấp 02 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc với 93,27 ha và 10 mã số cơ sở đóng gói.
Về định hướng thị trường tương lai, Ông đề xuất cần có giải pháp khai thác trong thời gian tới đối với các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Ấn Độ. Sở Công Thương luôn chủ động phối hợp với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương và các Sở Công Thương các tỉnh, nhất là các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp về tình hình thị trường Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Nguyễn Thị Kim Sang - P.QLTM







Thông báo
Hình ảnh hoạt động

Liên kết
Thống kê truy cập
  Đang truy cập : 57
  Hôm nay: 1
  Tổng lượt truy cập: 1502374